Trang Thông tin điện tử

xã Cồn Thoi - Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 19/09/2024

Người đưa giống lúa nếp cẩm về đồng ruộng Ninh Bình

Thứ ba, 23/06/2015

Vụ lúa đông xuân năm nay, ông Trương Hải Lưu (xã Yên Lộc, Kim Sơn) đã đầu tư giống vốn gieo cấy thử nghiệm 4 ha giống lúa nếp cẩm Tâm Phát 1 ở 10 xã, gồm: Yên Lộc, Quang Thiện, Kim Định, Đồng Hướng, Kim Tân, Cồn Thoi (Kim Sơn) và Yên Đồng, Yên Mỹ, Yên Từ, Yên Nhân (Yên Mô). Đây là loại giống lúa mới do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phục tráng chọn tạo từ giống lúa nếp bản địa vùng cao tỉnh Lai Châu.

 

Kiểm tra cánh đồng gieo cấy giống lúa nếp cẩm vụ đông xuân


Từ khi gieo cấy lúa đến khi thu hoạch, ông Trương Hải Lưu đã cùng với cán bộ Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gen cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa để tìm ra biện pháp chăm sóc ít tốn kém mà đạt hiệu quả cao.

Chúng tôi có dịp tham quan mô hình gieo cấy thử nghiệm lúa nếp cẩm tại xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn khi lúa đã chín vàng, bông dài, hạt mẩy (diện tích 1ha). Ông Trương Hải Lưu đã phối hợp với các cán bộ khoa học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phục tráng thành giống lúa thích ứng với vùng đất đồng bằng ven biển huyện Kim Sơn. Điểm nổi bật của giống lúa này là chất lượng gạo có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng chữa trị được một số bệnh như thiếu máu, tiểu đường, chống oxy hóa, hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Nếp cẩm có hạt gạo màu đen nên còn được gọi là "Bổ huyết mễ" với hàm lượng Protein 66,8%, chất béo hơn 20%. Ngoài ra, trong hạt gạo nếp cẩm còn có carotin, các axit amin và nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể. Thực tế khảo nghiệm trong các năm qua cho thấy: Gống lúa nếp cẩm chống chịu được với điều kiện thời tiết bất lợi, sâu bệnh ít và gieo cấy được cả hai vụ (đông xuân và vụ mùa). Thời tiết năm nay lại thuận lợi, ít sâu bệnh nên lúa tốt đồng đều và đến nay đã cho thu hoạch với năng suất ước đạt 150 đến 170kg/sào. Về giá trị kinh tế: 1kg lúa nếp cẩm thương phẩm hiện được bán với giá 20.000-22.000 đồng, cao gấp 3 lần so với lúa Bắc thơm số 7, do vậy, giá trị và hiệu quả trên 1 ha lúa nếp cẩm cũng cao hơn nhiều.

ở xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn ai cũng biết ông Trương Hải Lưu một thương binh hạng 2/4. Ông là người "miệng nói, tay làm", có niềm say mê, gắn bó với đồng ruộng. Những năm trước đây, thực hiện chủ trương của tỉnh khuyến khích bà con nông dân đưa giống lúa cao sản, giống lúa chất lượng cao vào đồng ruộng thâm canh tăng năng suất, ông Trương Hải Lưu đã bỏ nhiều công sức đến với bà con nông dân ở cả các xã nông thôn miền núi như Thượng Hòa (Nho Quan), Yên Đồng (Yên Mô) để hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật gieo cấy các giống lúa mới: Mi Sơn 4 , Phú ưu số 2. Hai năm gần đây ông tự bỏ kinh phí hỗ trợ bà con nông dân gieo cấy giống lúa nếp cẩm. Ông thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ tiếp nhận ý kiến đánh giá từ các mô hình thí điểm để xây dựng quy trình kỹ thuật sát với điều kiện từng vùng, từng chất đất khác nhau. Ông vui khi thấy nông dân được mùa, chia sẻ khó khăn khi nông dân gặp thiên tai hạn hán, sâu bệnh. Năm nào cũng vậy, mỗi khi vào đầu vụ gieo cấy, ông đến các hợp tác xã vận động bà con nông dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa các giống lúa mới nhân ra diện rộng mà cụ thể là giống nếp cẩm Tâm Phát 1. Được biết để tăng giá trị của hạt lúa nếp cẩm, ông còn đưa gạo của giống lúa này vào sản xuất rượu nếp cẩm theo phương pháp ủ men cổ truyền và sẵn sàng thu mua hết lúa thương phẩm của người nông dân làm nguyên liệu cho loại rượu đặc sản này.

 

Đinh Chúc

 

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 59801

Trực tuyến: 61

Hôm nay: 166