Trang Thông tin điện tử

xã Cồn Thoi - Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 18/09/2024

BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BÃO SỐ 3 – YAGI ĐỔ BỘ VÀO ĐỊA BÀN

Thứ năm, 05/09/2024

Kính thưa toàn thể nhân dân!

Theo Bản tin lúc 18h40p ngày 4/9/2024 của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia. Hồi 16h chiều ngày 4/9, vị trí tâm bão số 3 Yagi ở trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5-10km/h. Trước đó, lúc 13h, cường độ bão số 3 mới ở cấp 12, giật cấp 15.

Trong 24-48 giờ tới, bão tiếp tục tăng cấp và khả năng đạt cường độ mạnh nhất ở cấp 15-16, giật trên cấp 17 vào khoảng ngày 5-6/9.

Như vậy, bão số 3 Yagi đã mạnh lên nhanh chóng, hiện tại đang ở cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 15-16. (167-201km/h). Chỉ tính riêng trong hơn một ngày, bão đã tăng tới 5 cấp độ và còn tiếp tục mạnh thêm, có thể đạt tới cấp SIÊU BÃO - cấp 16, giật trên cấp 17+ (tức là cấp 18-19), nhanh chưa từng thấy trong nhiều năm trên Biển Đông.

          Trước tình hình bão mạnh lên và có nguy cơ đổ bộ vào đất liền ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn xã nhà. UBND xã, BCH PCLB&TKCN xã Cồn Thoi yêu cầu các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và mỗi công dân trên địa bàn xã thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn, ứng phó với bão cụ thể như sau:

1.Đối với các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, các khu dân cư, các cơ sở tôn giáo các trại sản xuất giống, các cơ sở nuôi trồng thủy sản ngoài đê Bình Minh II cần thực hiện ngay:

- Tổ chức thu dọn, sắp xếp các công cụ, dụng cụ, máy móc trang thiết bị vào nơi an toàn tránh thất thoát tài sản, trang thiết bị, công cụ dụng cụ do bão gây ra. Khẩn trương thực hiện các biện pháp chằng chống, gia cố cơ sở vật chất của trụ sở, nhà văn hóa xóm, các công trình phụ trợ của nhà văn hóa xóm, các nhà xưởng, kho tàng công trình phục vụ sản xuất của các cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão gây ra.

- Bố trí nhân lực thường trực, trông coi tài sản và ứng phó với diễn biến của bão khi bão đổ bộ vào địa bàn. Sẵn sàng di rời người về nơi tránh trú an toàn khi có lệnh của BCH phòng chống thiên tai và TKCN.

2. Đối với Hộ gia đình và người dân

- Chủ động thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống nhà cửa, lều trại, kho tàng, các công trình phụ trợ của gia đình mình nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão gây ra. Huy động nhân lực trong gia đình thu dọn, sắp xếp vào nơi cất giữ an toàn tránh thất thoát trong bão. Chặt tỉa các cành cây cao có khả năng đổ gãy gây nguy hiểm cho người và tài sản. Hạ biển quảng cáo ngoài trời, Đóng kín cửa sổ, cửa chính, Hạ thấp giàn cây cảnh trên cao, Khi gia cố nhà cửa lưu ý thực hiện các biện pháp an toàn kẻo bị tai nạn, tranh thủ tối đa thu hoạch thủy hản sản đủ kích cỡ và có phương án tối ưu để bảo vệ trong điều kiện thiên nhiên và thực tế cho phép; Neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản vào nơi khuất gió, sơ tán vật nuôi, đồ đạc có giá trị cao đi gửi ở những nơi có công trình kiên cố, an toàn. Kê cao các đồ vật sử dụng thiết yếu trong nhà tránh ngập lụt, mưa dột gây hư hỏng, không sử dụng được. Chuẩn bị nước uống và đồ ăn đủ cho 2-3 ngày trở lên.

Khi Bão đổ bộ có thể gây mất điện. Mất điện cũng dẽ bị mất nước hoặc liên lạc bằng thông tin truyền thông vì thế cần Sạc đầy điện thoại, đầy thiết bị tích điện, bơm đầy bể, téc, bồn chứa nước để sử dụng trong thời gian mất điện trong bão. Mỗi gia đình nên chuẩn bị ít nhất 01 cái đèn pin tích điện để dùng đề phòng mất điện hoặc khi phải sơ tán trong đêm.

Nếu gia đình có nhà cao tầng kiên cố, hãy phát huy tình làng nghĩa xóm, chủ động mời người hàng xóm đến tránh trú nếu nhà của hàng xóm không kiên cố. Sơ tán tại chỗ là phương án tiết kiệm nhất cho cả chính quyền và cả người dân lại tăng tính đoàn kết cộng đồng.

- Mỗi người dân cần tự giác chấp hành nghiêm chỉnh kế hoạch sơ tán và thực hiện việc sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương nhất là những người thuộc đối tượng yếu thế như người già, thai phụ, trẻ em, người tàn tật, đau ốm vv… muộn nhất là vào 21 giờ ngày 6/9. Đợi tới sáng 7/9 sợ sơ tán không kịp vì sáng hôm đó tâm bão đã cận kề Quảng Ninh và Hải Phòng rồi. Vùng gió mạnh bao gồm cả Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội. Vùng mưa lớn gây nguy cơ ngập lụt ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc.

Ngày (5/9) và ngày (6/9) sẽ nắng nóng và oi bức ở miền Bắc. Đừng thấy nắng mà nghĩ bão không vào. Đó là hiện tượng Bão đang hút hơi ẩm về phía nó để tích lũy năng lượng đấy! Sáng 7/9 khi bão tiếp cận bờ biển sẽ trút hết những thứ mà nó tập hợp bấy lâu.

Chúng ta không nên hoang mang, nhưng cần cảnh giác và hành động có lý trí, có trật tự, có tình nghĩa, trước, trong và sau lúc bão đổ bộ để đảm bảo an toàn. Chúng ta phải xác định: “Bão là cơn thịnh lộ của thiên nhiên”, Chúng ta không thể chống được bão, vì thế chúng ta chỉ có thể phòng và ứng phó với bão nhằm giảm thiểu mọi thiệt hại do bão gây ra mà thôi! Coi trọng an toàn tính mạng của Nhân dân là số một, là trên hết khi mưa bão, lũ xảy ra.

Sau khi bão tan, mỗi gia đình, mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức cần nêu cao ý thức tự giác chung tay với chính quyền địa phương để giải quyết, khắc phục các hậu quả, thiệt hại do bão gây ra. Cụ thể là:

- Chủ động dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên gia đình, cơ quan, trụ sở, cơ sở của mình và đường làng, ngõ xóm. Gạn đổ những thau, chậu, vũng nước đọng, khơi thông cống rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm tránh muỗi, bọ, côn trùng phát triển gây dịch bệnh. Thu dọn các cành, thân cây, đồ đạc đổ gãy, quét dọn khuôn viên, sửa chữa nhà cửa, lều trại, các công trình của gia đình mình bị hư hỏng trong bão.

- Thực hiện ăn chín uống sôi, đổi món, đổi bữa theo chế độ dinh dưỡng thiết yếu nhằm đảm bảo sức khỏe cho mọi người trong gia đình, tăng sức đề khách phòng tránh các loại dịch bệnh phát sinh sau bão.

- Tham gia dọn dẹp các nơi công cộng, tu sửa các công trình công cộng của địa phương và tôn giáo.

- Tham gia thực hiện công tác tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh phát triển sau bão ở địa phương và địa bàn dân cư.

- Tham gia các phần việc khác nhằm khắc phục các hậu quả, thiệt hại do bão gây ra theo yêu cầu của chính quyền địa phương và khu dân cư.

UBND xã - BCH PCLB&TKCN xã Cồn Thoi xin hướng dẫn các biện pháp an toàn trước, trong và sau bão nêu trên; và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trường học, các doanh nghiệp, khu dân cư, cơ sở tôn giáo, các cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản, các hộ gia đình và mọi công dân trên địa bàn xã Cồn Thoi nghiêm túc thực hiện!

Căn cứ vào tình hình diễn biến của cơn bão, BCH Phòng chống thiên tai và TKCN xã sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về lệnh chỉ huy để Nhân dân thực hiện.

Trân trọng thông báo!

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

KIÊM TRƯỞNG BCH PCLB&TKCN XÃ

 

 

 

 

 

      Bùi Văn Lương

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 59500

Trực tuyến: 9

Hôm nay: 51